Nâng tầm giá trị cây chè, văn hóa trà: Yêu cầu từ thực tiễn
Cập nhật ngày: 12/02/2025 12:13 (Lượt xem: 110002)Lãnh đạo Công ty Samsung Việt Nam tại Thái Nguyên và Bắc Ninh trải nghiệm trên đồi chè ở xã Hoàng Nông (Đại Từ). |
Trước yêu cầu phát triển hiện nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-TU ngày 3/2/2025 về phát triển ngành chè giai đoạn 2025-2030 (Nghị quyết số 11). Điều này tiếp tục khẳng định sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) và người dân, nhằm nâng tầm giá trị cây chè và văn hóa trà.
Thái Nguyên có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu rất thuận lợi và phù hợp cho cây chè sinh trưởng, phát triển, trở thành cây trồng chủ lực. Những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển ngành chè và đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Thái Nguyên đã trở thành tỉnh có diện tích, năng suất, sản lượng, giá trị thu nhập từ cây chè lớn nhất toàn quốc, với trên 22.200ha, 193 sản phẩm trà được chứng nhận OCOP từ 3-5 sao, giá trị sản phẩm trà đạt 13,8 nghìn tỷ đồng.
Người làm chè Thái Nguyên đã chế biến ra nhiều sản phẩm trà có chất lượng cao, cây chè ngày càng giữ vị trí, vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp cũng như phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Chè từ loại cây giảm nghèo đã giúp hàng nghìn hộ nông dân vươn lên làm giàu; hàng trăm DN, HTX… hưng vượng từ chè và sản phẩm trà.
Đặc biệt những năm qua, tỉnh và một số địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa vinh danh trà. Thương hiệu “đệ nhất danh trà” của Thái Nguyên cũng ngày một vang xa trên trường quốc tế.
Thế nhưng, Thái Nguyên vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế, giá trị của cây chè. Ngành chè của tỉnh còn cò những hạn chế như: Sản xuất nông hộ chiếm tỷ trọng lớn; quy mô sản xuất của HTX, DN còn nhỏ; liên kết giữa DN, HTX với các nông hộ chưa chặt chẽ. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến còn hạn chế. Sản phẩm chưa đa dạng, phong phú, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, chủ yếu vẫn là sản phẩm trà xanh truyền thống.
Sự kết nối, quảng bá về sản xuất, chế biến, kinh doanh và văn hóa trà để củng cố, nâng cao thương hiệu, hiệu quả sản xuất còn chậm được quan tâm… Bởi vậy, Nghị quyết 11 sẽ khắc phục những hạn chế nêu trên, đưa cây chè và sản phẩm trà lên một tầm giá trị mới, cao hơn.
Mục tiêu được Nghị quyết số 11 đưa ra là phát triển ngành chè gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; đẩy mạnh sản xuất an toàn gắn với chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm có chất lượng, giá trị cao; thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến, kinh doanh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu trà Thái Nguyên theo hướng tích hợp đa giá trị của trà; xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Phấn đấu tổng giá trị sản phẩm thu được từ cây chè đến năm 2030 đạt 25 nghìn tỷ đồng.
Theo đó, Nghị quyết số 11 cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp, đồng thời chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các đảng bộ, cơ quan tham mưu, tổ chức chính trị xã hội để vào cuộc thực hiện. Trong đó nhấn mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh, nâng cao giá trị ngành chè.
Cùng với đó là rà soát, hoàn thiện quy hoạch các vùng sản xuất; tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến chè; củng cố, nâng cao thương hiệu gắn với quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm trà… Một nhiệm vụ quan trọng nữa là bảo tồn và nâng cao các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của trà Thái Nguyên.
Song song với phát triển cây chè và sản phẩm trà, tỉnh cũng chú trọng đến việc phát triển văn hóa và nghệ thuật thưởng trà. Tiên phong trong vấn đề này, HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công đã đề xuất kế hoạch phát triển văn hóa trà và nghệ thuật thưởng trà Thái Nguyên năm 2025.
Theo đó, HTX tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về văn hóa trà; trao đổi phát triển văn hóa trà và nghệ thuật thưởng trà Thái Nguyên cho đối tượng là người sản xuất, chế biến, kinh doanh, các HTX, làng nghề chè và cán bộ, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trên địa bàn tỉnh.
HTX cũng đề xuất các phương án đầu tư cơ sở hạ tầng ở các địa danh nổi tiếng trà ngon về giao thông, xây dựng cảnh quan, quy hoạch vườn trà kiểu mẫu, hệ thống phòng thưởng trà, các tuyến tham quan, mua sắm, giới thiệu sản phẩm và các dịch vụ hỗ trợ khác… Đơn vị này cam kết đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh cũng như sẵn sàng hỗ trợ kinh phí để tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển văn hóa trà Thái Nguyên.
Dự và phát biểu tại chương trình báo cáo đề xuất kế hoạch phát triển văn hóa trà và nghệ thuật thưởng trà Thái Nguyên do HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công tổ chức ngày 5-2 vừa qua, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, hoan nghênh, ủng hộ cách làm của đơn vị.
Tại đây, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp tục nhấn mạnh về vai trò, ý nghĩa của Nghị quyết số 11, đồng thời đề nghị các đảng bộ từ tỉnh đến cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội phải xây dựng nghị quyết, chương trình hành động để lãnh đạo và triển khai thực hiện; xây dựng các cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi để phát triển ngành chè.
Ông Nguyễn Văn Thụy, ở xóm Lưu Quang 5, xã Minh Tiến (Đại Từ), bên cây chè cổ ước hàng trăm năm tuổi trên núi Bóng. Ảnh: Q.T |
Đồng chí cũng đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết đưa quần thể cây chè cổ ở xã Minh Tiến (Đại Từ) thành cây di sản của Việt Nam để bảo tồn, chăm sóc và phát huy giá trị. Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kịp thời phản ánh những địa phương, đơn vị, tập thể, cá nhân làm tốt, các mô hình tiêu biểu để nhân rộng…
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khẳng định: Liên đoàn sẽ luôn đồng hành với Thái Nguyên để quảng bá hình ảnh, văn hóa trà đến cộng đồng DN, doanh nhân trong nước và quốc tế…
Nhà báo, nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng cũng đã đề xuất với Thường trực Tỉnh ủy về việc tạo một không gian thưởng trà tại cơ quan làm việc vừa làm nơi giới thiệu, quảng bá về cây chè, văn hóa trà với khách mỗi khi họ đến làm việc. Nghệ nhân cũng sẵn sàng làm “cầu nối” để các công ty, DN du lịch, lữ hành lớn đến làm việc với tỉnh từ đó kết nối những doanh nhân, tỷ phú nổi tiếng thế giới đến với tỉnh với Thái Nguyên, tạo cơ hội để trà Thái Nguyên chạm đến những tầm cao giá trị mới.
Từ thực tế có thể thấy, Nghị quyết số 11 tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị cao của tỉnh đối với ngành chè. Đây là một động lực, cú hích để cây chè và văn hóa trà Thái Nguyên “vươn mình” lên một tầm cao mới.
Nghị quyết số 11 đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030: - Diện tích chè toàn tỉnh khoảng 24.500ha; sản lượng chè búp tươi đạt trên 300.000 tấn. - 70% diện tích chè được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ; được cấp mã số vùng trồng. - 100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chè và các sản phẩm từ chè đảm bảo quy định an toàn thực phẩm. - 100% doanh nghiệp, hợp tác xã có vùng nguyên liệu chè ứng dụng công nghệ số trong canh tác, quản lý chuỗi. - Có ít nhất 250 sản phẩm trà đạt OCOP 3-5 sao, trong đó có ít nhất 6 sản phẩm trà đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao. - 100% sản phẩm trà và sản phẩm từ chè được thương mại điện tử trên các nền tảng số. |