Ngành Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên: Sẵn sàng tiến vào kỷ nguyên mới, với sứ mệnh mới
Cập nhật ngày: 17/02/2025 07:21 (Lượt xem: 110007)Đồng chí Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, nhận Giấy chứng nhận của UBND tỉnh trao cho đơn vị dẫn đầu khối các sở, ban, ngành về chỉ số DDCI 2023 tỉnh Thái Nguyên. |
Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về báo chí; xuất bản, in, phát hành; phát thanh, truyền hình; thông tin điện tử; thông tin đối ngoại; thông tin cơ sở; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghiệp công nghệ thông tin; ứng dụng công nghệ thông tin; an toàn thông tin mạng; giao dịch điện tử, chuyển đổi số tại địa phương.
Bước sang năm 2025, ngành TT&TT vừa tròn 80 tuổi (28/8/1945-28/8/2024) và báo chí cách mạng Việt Nam kỷ niệm 100 năm. Trải qua gần 20 năm xây dựng và trưởng thành, với tính chất đa ngành, Sở tham gia quản lý ở những lĩnh vực “nóng” luôn có sự vận động, phát triển không ngừng để bắt nhịp với xu thế công nghệ mới và xã hội thông tin, tất yếu; là một trong những ngành chủ đạo, có tính sẵn sàng cao trong quá trình tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi Đảng và Nhà nước ban hành các chủ trương, triển khai những quyết sách, tận dụng những cơ hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bứt phá tăng trưởng các ngành, lĩnh vực.
Dấu ấn đậm nét trong chuyển đổi số
Tại buổi làm việc với tỉnh Thái Nguyên ngày 10/01/2024, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Dù là tỉnh miền núi nhưng Thái Nguyên đang là địa phương tiên phong trong chuyển đổi số trên cả 3 lĩnh vực: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn người dân cài các tiện ích trên điện thoại thông minh. |
Thực tiễn và kết quả triển khai chuyển đổi số từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đặc biệt sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, chuyển đổi số đã đi vào cuộc sống, lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực trên cả ba trụ cột, tác động tích cực, toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Chính quyền số là trụ cột mà Thái Nguyên đặc biệt quan tâm. Các ứng dụng trong nội bộ cơ quan nhà nước được triển khai đồng bộ, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí hoạt động, đổi mới phương thức làm việc. Các ứng dụng trong nội bộ cơ quan nhà nước góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí hoạt động, đổi mới phương thức làm việc: Hệ thống quản lý văn bản đi đến và điều hành tỉnh Thái Nguyên, chứng thư chữ ký số cho các cơ quan, đơn vị và công chức, viên chức toàn tỉnh. Các nền tảng: Cổng/trang thông tin điện tử; mạng truyền số liệu chuyên dùng; hội nghị truyền hình bảo đảm liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã và ngược lại, hệ thống thư điện tử hoạt động hiệu quả.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên còn được đánh giá là điểm sáng trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ, mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển chính quyền số, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Với hạ tầng mạng Internet rộng khắp, người dân xóm Lân Quan (xã Tân Long, Đồng Hỷ) đã được tiếp cận với Internet không dây 4G ngay tại trung tâm xóm. |
Thái Nguyên được ghi nhận là tỉnh phát triển được nhiều nhất các ứng dụng số, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà trong xã hội, chính trị, trong các hệ sinh thái môi trường. Sổ tay đảng viên điện tử triển khai đồng loạt tại 16 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy. Ứng dụng công dân số C-ThaiNguyen có hơn 365.009 lượt tải; hơn 108.445 tài khoản đăng ký; 1.217 thông tin đăng tải; 3.981 phản ánh được tiếp nhận.
Xác định việc phát triển kinh tế số và xã hội số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tỉnh đã và đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển kinh tế số và xã hội số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ước tính cả năm 2024 là 711,6 nghìn tỷ đồng. Triển khai chợ 4.0, chợ thanh toán không dùng tiền mặt, toàn tỉnh đã triển khai 107 chợ (đạt 100% chợ đủ điều kiện triển khai); Dịch vụ Mobile Money có hơn 513.400 khách hàng với trên 9.300 điểm chấp nhận thanh toán.
Nhận thức, tư duy về chuyển đổi số đã len lỏi vào từng ngõ ngách, đến tất cả người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, rõ nét nhất là việc phát triển thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt. Mô hình chợ 4.0 – chợ không dùng tiền mặt ngày càng được nhân rộng, người dân Thái Nguyên từ việc uống nước chè, mua sắm hằng ngày ở bất cứ đâu, kể cả các chợ khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi đều không cần dùng tiền mặt; đã quen dần với kỹ năng bán các sản phẩm chủ lực của tỉnh như chè Thái Nguyên, na La Hiên, miến Việt Cường, mỳ chũ Định Hóa… trên các nền tảng mạng xã hội.
Từ chỗ đứng thứ hơn 40 cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin, sau khi Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đi vào cuộc sống, Thái Nguyên đã có vị trí nổi bật trên bản đồ chuyển đổi số quốc gia: Năm 2021, Bộ TT&TT đánh giá chỉ số chuyển đổi số của Thái Nguyên đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố. Đến nay, Thái Nguyên đã 2 năm liên tiếp xếp thứ 8/63; là 1 trong 10 địa phương dẫn đầu về hạ tầng số. Tỷ trọng giá trị gia tăng kinh tế số trong GRDP năm 2023 là 31,4% đứng thứ 3 toàn quốc. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ 2. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) xếp thứ 2. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. |
Phân tích về 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Chuyển đổi số là phương thức sản xuất mới, coi con người và trí tuệ nhân tạo là lực lượng sản xuất mới; dữ liệu trở thành tư liệu sản xuất mới.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, ngày 15/11/2024, UBND tỉnh ban hành Đề án chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2024-2025.
Có thể nói, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên những năm qua đã tạo nên đột phá to lớn, mở ra không gian phát triển mới, tạo ra những giá trị mới, nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống cho người dân, làm thay đổi tổng thể và toàn diện công tác quản lý, điều hành của hệ thống chính trị, mô hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cách sống, cách làm việc, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Bưu chính “chuyển mình”
Lĩnh vực bưu chính đã chuyển mình, đang từng bước trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số; góp phần thúc đẩy phát triển chính quyền số, xã hội số. Dưới góc độ kinh tế số, bưu chính trở thành hạ tầng chuyển phát cho nền kinh tế số và cho thương mại điện tử, đảm bảo dòng chảy vật chất tương ứng với dòng chảy thương mại điện tử trên không gian số.
Bưu điện tỉnh Thái Nguyên ký thỏa thuận hợp tác với Sở Giao thông vận tải trong việc phối hợp triển khai dịch vụ công trực tuyến và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích (ngày 13/5/2024). |
Sản lượng năm 2024 là 23 triệu thư, gói kiện được khai thác đi với doanh thu 460 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023. Trong năm 2024, gần 3 triệu tờ báo (gồm 4 đầu báo: Nhân dân, Quân đội nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Báo Thái Nguyên) được chuyển phát, góp phần kịp thời đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Dưới góc độ chính phủ số, bưu chính đã và đang tham gia giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa các cấp. 100% sở, ban, ngành, địa phương đã sử dụng dịch vụ bưu chính công ích trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính khi các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Năm 2024 có 220.000 hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích mang lại nhiều lợi ích thiết thực, được người dân và tổ chức trên địa bàn tỉnh đánh giá cao, góp phần giảm thời gian và chi phí xã hội.
Hạ tầng số phát triển mạnh mẽ
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định các đột phá chiến lược để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ bao gồm: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”.
Nhân viên Trung tâm Công nghệ thông tin (Sở Thông tin và Truyền thông) kiểm soát hệ thống bảo mật của tỉnh để bảo đảm hoạt động cho các hệ thống dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh. |
Thực tế phát triển cho thấy, ngành TT&TT đang diễn ra những chuyển dịch quan trọng: Từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số; từ hạ tầng thông tin liên lạc sang hạ tầng nền kinh tế số. Trên cơ sở đó, hạ tầng số chính là hạ tầng mới, tương ứng với hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics trong thế giới thực.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 07 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông; 1.830 điểm thu phát sóng điện thoại di động (trạm BTS). Tổng số thuê bao điện thoại di động là 1.526.740, đạt 114 thuê bao/100 dân. Trong đó 1.208.587 thuê bao sử dụng dịch vụ 3G/4G. Tổng số thuê bao truy nhập Internet cố định băng rộng cáp quang cho hộ gia đình là 261.249 thuê bao, đạt 76 thuê bao/100 hộ gia đình. Tỷ lệ thôn, bản được phủ băng rộng cố định cáp quang đạt 100%. Tỷ lệ thôn, bản được phủ sóng di động băng rộng 3G/4G đạt 99,6% (còn 07 thôn, bản thuộc huyện Võ Nhai chưa có sóng di động 3G/4G, nguyên nhân do địa hình núi cao, hiểm trở, khó lắp đặt trạm phát sóng).
Nhân viên Viễn thông Phú Lương (VNPT Thái Nguyên) kiểm tra, bảo dưỡng hạ tầng Internet cáp quang băng thông rộng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. |
Xác định hạ tầng số là nền cho phát triển cung cấp dịch vụ thiết yếu, hỗ trợ các hoạt động kinh tế - xã hội, Sở TT&TT luôn quan tâm phát triển, phổ cập hạ tầng số. Các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông lớn như Viettel, VNPT đã tích cực đồng hành tham gia vào quá trình phát triển hạ tầng số của tỉnh.
Mạng 5G đã chính thức có mặt tại Thái Nguyên và việc tắt sóng 2G trong tháng 10-2024 là bước đột phá về phát triển hạ tầng viễn thông, đảm bảo hạ tầng số hiện đại, thiết yếu, phổ cập đến tất cả các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần đưa người dân lên môi trường số, nâng cao hạ tầng số và chỉ số DTI của tỉnh.
Báo chí, truyền thông làm tốt sứ mệnh
Sự phát triển không ngừng của công nghệ trong lĩnh vực báo chí và truyền thông đã dẫn đến sự thay đổi trong cách công chúng tiếp nhận thông tin. Công chúng, khán giả không còn thụ động tiếp nhận thông tin mà đã chuyển sang chủ động lựa chọn, quyết định những gì họ muốn biết và thậm chí tham gia vào quá trình tạo ra thông điệp truyền thông, thể hiện vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam.
Cùng với báo chí cả nước, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự định hướng trong công tác quản lý nhà nước của ngành TT&TT, báo chí Thái Nguyên luôn đi đầu trong việc thực hiện sứ mệnh khơi dậy khát vọng dân tộc, lan tỏa năng lượng tích cực, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để đất nước phát triển.
Báo chí, truyền thông Thái Nguyên phát triển ngày càng lớn mạnh, trở thành những cơ quan truyền thông đa phương tiện, gắn với công nghệ, phù hợp xu thế phát triển và nhu cầu của xã hội. Chuyển đổi mô hình sản xuất, phân phối nội dung, hướng đến thông tin sâu sắc, xác thực, góc nhìn toàn diện, sinh động, đóng vai trò cốt lõi trong định hướng dư luận, đưa thông tin trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, là chìa khóa để tạo ra giá trị cho độc giả, khẳng định sự khác biệt của báo chí với mạng xã hội và đề cao các giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng.
Bên cạnh đó, thông tin cơ sở được đầu tư hiện đại, đồng bộ và thống nhất từ Trung ương, cấp tỉnh, huyện, xã, đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của người dân, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền, cơ quan quản lý các cấp; tạo niềm tin, sự đồng thuận xã hội.
Lĩnh vực xuất bản giữ vững vai trò; có nhiều xuất bản phẩm hay, có giá trị, đúng định hướng, có sức lan tỏa, đáp ứng nhu cầu đọc, góp phần phát triển văn hóa đọc, tác động tích cực vào nhận thức của người dân.
Gần 20 năm qua, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo tỉnh; các sở, ban, ngành, địa phương; các doanh nghiệp trong lĩnh vực TT&TT; với những cách làm đột phá, sáng tạo, Sở TT&TT Thái Nguyên đã kịp thời nắm bắt thời cơ, từng bước khẳng định vai trò, tầm quan trọng và vị thế của mình, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Để tiếp tục chinh phục những thử thách mới, tạo động lực tăng trưởng mới, một bên là công nghệ để tạo ra của cải vật chất, một bên là báo chí, truyền thông khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường; hiện thực hóa những ước mơ về chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn ngành Thông tin và Truyền thông sẵn sàng tâm thế để bước tiếp vào cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy với tinh thần “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”; đẩy mạnh chuyển đổi số song hành với chuyển đổi xanh; xây dựng chiến lược tiếp cận, đón đầu những công nghệ mới nhất. Đó là IoT, là AI, là tự động hóa công nghiệp, phát triển công nghiệp bán dẫn...
Phát triển báo chí, truyền thông đảm bảo vai trò định hướng dư luận xã hội, đẩy nhanh chuyển đổi số báo chí, đa dạng hóa phương thức sản xuất nội dung, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả, khán, thính giả; tạo nguồn thu mới, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng…
Với trách nhiệm đó, sứ mệnh đó, tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại ngành TT&TT Thái Nguyên tiếp tục nỗ lực trên những chặng đường tiếp theo.