Số ca bệnh tay chân miệng gia tăng

Cập nhật ngày: 07/05/2025 12:07 (Lượt xem: 110003)
Từ cuối tháng 4 đến nay, nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ghi nhận số ca mắc bệnh tay chân miệng gia tăng, đặc biệt là trong đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Đây là bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng có xu hướng bùng phát mạnh vào mùa Hè, nhất là tại các trường mầm non, nhóm trẻ.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng khi có dấu hiệu nặng đều được các bác sĩ theo dõi sát, dùng thuốc hạ sốt, an thần sớm để chống co giật.

Cụ thể, tại Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Gang thép, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện A Thái Nguyên và một số bệnh viện trên địa bàn TP. Sông Công, TP. Phổ Yên… thời gian này đã tiếp nhận, điều trị cho hàng chục ca bệnh, chủ yếu là trẻ từ 1-4 tuổi. Các triệu chứng phổ biến gồm: Sốt, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, trẻ quấy hơn, phát ban dạng phỏng nước ở tay chân, loét miệng…

Bệnh tay chân miệng do virus gây ra, lây qua đường hô hấp, nước bọt, giọt bắn hoặc tiếp xúc với đồ chơi, tay nắm cửa nhiễm khuẩn. Người lớn có thể mang mầm bệnh mà không có biểu hiện rõ rệt như trẻ em nhưng vẫn có thể lây cho người khác. Do vậy không nên chủ quan; không để trẻ sốt cao vì dễ dẫn đến biến chứng thần kinh nguy hiểm.

Theo các bác sĩ, để phòng bệnh cho trẻ thì cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh bề mặt, đồ chơi, dụng cụ sinh hoạt hằng ngày; đeo khẩu trang khi có dấu hiệu bị cảm cúm, ho sốt. Cách ly trẻ bệnh ít nhất 7-10 ngày, chỉ cho đi học lại khi hết sốt 3 ngày và không còn phỏng nước; theo dõi sát dấu hiệu thần kinh (giật mình, lơ mơ, ngủ li bì...) để xử trí kịp thời.

Các trường mầm non cần đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong công tác phòng bệnh, bảo đảm môi trường học tập an toàn cho trẻ.

https://www.baothainguyen.vn/y-te/202505/so-ca-benh-tay-chan-mieng-gia-tang-29e2d12/
Các tin khác: