Tạo sinh kế vùng dân tộc thiểu số từ tín dụng chính sách
Cập nhật ngày: 20/02/2025 06:51 (Lượt xem: 110003)Nông dân huyện Đồng Hỷ được vay vốn chính sách tạo việc làm, phát triển sản xuất thông qua các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: T.L |
Huyện Đồng Hỷ có trên 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chủ yếu là người Mông, Dao, Sán Dìu, Nùng, trong đó còn trên 1.300 hộ nghèo (chiếm 5,5%) và gần 1.100 hộ cận nghèo (chiếm 4,45%), tập trung ở vùng núi.
Năm 2024, huyện có gần 400 hộ DTTS thoát nghèo và giảm trên 130 hộ cận nghèo. Để đạt được kết quả này, Đồng Hỷ đã triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, huy động nguồn lực từ cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân giúp đỡ người nghèo. Đồng thời thực hiện đồng bộ chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng hạ tầng tại các vùng đặc biệt khó khăn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho vay ưu đãi đối với người nghèo.
Xã Hợp Tiến là địa phương có trên 1.800 hộ, hơn 8.000 nhân khẩu, trong đó gần 70% là đồng bào dân tộc Dao, kinh tế còn nhiều khó khăn. Nhờ các chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS được triển khai đồng bộ, trong đó có vai trò quan trọng của vốn tính dụng chính sách nên đời sống nhân dân được cải thiện tích cực.
Ông Lê Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: 100% người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) khi có kế hoạch và nhu cầu sử dụng vốn phù hợp, nên không có ai bị bỏ lại phía sau.
Hiện nay, trên địa bàn xã Hợp Tiến đã hình thành trên 30 mô hình kinh tế gia trại tổng hợp vườn rừng, chăn nuôi. Các tổ chức hội, đoàn thể của xã nhận ủy thác từ NHCSXH, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho hộ nghèo, cận nghèo là người DTTS vay vốn trên 110 tỷ đồng, tăng 30 tỷ đồng so với đầu năm 2023.
Chính vì vậy, Hợp Tiến cơ bản hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo đa chiều từ 26,05%, xuống còn dưới 13%. Xã giao nhiệm vụ cho từng bộ phận chuyên môn và tổ chức chính trị, xã hội đảm nhiệm việc hỗ trợ, quản lý nguồn đầu tư, nhận ủy thác của các ngân hàng, để bảo đảm sử dụng đầu tư hiệu quả.
Nhờ được vay vốn ưu đãi, gia đình ông Lưu Tiến Sinh (ở xóm Liên Phương, xã Văn Lăng, Đồng Hỷ) phát triển chăn nuôi bò thương phẩm và thoát nghèo năm 2024. |
Chia sẻ về hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay tín dụng chính sách, chị Dương Thị Tống, dân tộc Mông ở xóm Tân Thành, xã Văn Lăng, nhớ lại: Năm 2021, gia đình tôi được vay theo định mức chỉ 13 triệu đồng từ NHCSXH huyện để nuôi trâu sinh sản. Với sự hướng dẫn, động viên của tổ tiết kiệm và vay vốn Hội Phụ nữ xã, nên sau 2 năm đã trả gốc và lãi đầy đủ. Sang năm 2024, gia đình vay tiếp 100 triệu đồng để chăn nuôi trâu, bò. Từ 3 con, tôi đã gây đàn và đầu tư vỗ béo lên hàng chục con… Gia đình có thêm thu nhập từ bán trâu, bò và được công nhận thoát nghèo, còn tích luỹ được để xây căn nhà khang trang.
Được biết, hầu hết các hộ thuộc diện chính sách của huyện Đồng Hỷ đều được tạo điều kiện thuận lợi vay vốn ưu đãi. Đến nay, tổng dư nợ vốn tín dụng NHCSXH trên địa bàn đạt trên 574,4 tỷ đồng, với gần 12.500 đối tượng vay. Việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả đã góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5,48% và NHCSXH huyện Đồng Hỷ là một trong 12 đơn vị cấp huyện trên toàn quốc không có nợ quá hạn, không có tình trạng khoanh nợ.
Để tất cả các đối tượng chính sách đều được vay vốn tín dụng ưu đãi, NHCSXH huyện đáp ứng đủ nhu cầu về nguồn vốn. Đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm, trích ngân sách gần 17 tỷ đồng ủy thác để cho vay giải quyết việc làm, nâng tổng số vốn của NHCSXH huyện Đồng Hỷ đến nay lên trên 575,5 tỷ đồng.