Thái Nguyên luôn khắc ghi lời Người căn dặn
Cập nhật ngày: 20/05/2025 01:40 (Lượt xem: 110002)Thái Nguyên đã trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn ở miền Bắc, với nhiều khu công nghiệp là điểm sáng về thu hút đầu tư. Ảnh: Lăng Khoa |
Với vị trí chiến lược quan trọng, Thái Nguyên được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Chính phủ chọn làm căn cứ địa cách mạng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại ATK Định Hóa - Thái Nguyên, Người đã ở và làm việc, lãnh đạo cuộc kháng chiến trong suốt những năm 1947-1954.
Sau khi Trung ương Đảng, Chính phủ chuyển về Thủ đô Hà Nội (năm 1954) đến lúc cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 7 lần trở lại thăm, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên; chỉ đạo Đảng bộ tỉnh lãnh đạo nhân dân xây dựng cuộc sống mới.
Trong lần cuối cùng về thăm Thái Nguyên (ngày 1/1/1964), nói chuyện với hơn 45 nghìn cán bộ, công nhân và nhân dân trong tỉnh, Bác thể hiện sự vui mừng vì thấy tỉnh có nhiều đổi mới, có nông nghiệp tiến bộ và công nghiệp gang thép. Bác nhấn mạnh: “Tỉnh ta sớm có truyền thống cách mạng vẻ vang, có tài nguyên phong phú, có nông nghiệp hợp tác hóa, có thủ công nghiệp, công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng. Đồng bào và nhân dân sẵn có tính cần cù. Nói tóm lại, tỉnh ta có rất nhiều điều kiện thuận lợi, toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”.
Thực hiện lời Bác dạy, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng nỗ lực, đóng góp xứng đáng vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Thái Nguyên đã đoàn kết, từng bước ổn định sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân, dũng cảm chiến đấu góp phần đánh bại cuộc leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ; đồng thời động viên hàng nghìn con em các dân tộc tham gia bộ đội, chiến đấu trên khắp các chiến trường và lập nhiều chiến công xuất sắc.
Sau khi đất nước thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đoàn kết, không ngừng phấn đấu xây dựng quê hương giàu mạnh. Kinh tế của tỉnh luôn nằm trong nhóm các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và bứt phá ở lĩnh vực công nghiệp. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị.
Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được bảo tồn và phát huy. Giáo dục - đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, nhất là đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Hiện nay, Thái Nguyên đã trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn ở miền Bắc, với nhiều khu công nghiệp là điểm sáng về thu hút đầu tư, nơi đặt "đại bản doanh" của Tập đoàn Samsung Electronics Việt Nam. Nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước đã chọn Thái Nguyên làm điểm đến, góp phần làm thay đổi cơ bản diện mạo kinh tế - xã hội của địa phương.
Tinh thần “gương mẫu” được thể hiện rõ nét khi Thái Nguyên là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số (Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh), xác định đây là động lực phát triển trong giai đoạn mới.
Trong suốt gần 5 năm qua, chuyển đổi số tại Thái Nguyên không chỉ là khái niệm lý thuyết mà đã trở thành hành động cụ thể, với hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư mạnh mẽ, các nền tảng dữ liệu và chính quyền điện tử được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở.
Người dân có thể thực hiện hàng trăm thủ tục hành chính trên môi trường số; nhiều tiện ích được triển khai mang đến thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó, tỉnh đặc biệt chú trọng đến phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thái Nguyên là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Trên cơ sở đó, tỉnh đã triển khai triển khai đồng bộ, toàn dân và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nổi bật là việc phát động Cuộc thi “Đổi mới sáng tạo - Vì Thái Nguyên thân yêu” lần thứ nhất năm 2025 và triển khai chương trình “Bình dân học AI”. Điều này mở ra cánh cửa tri thức số cho hàng chục nghìn người, đồng thời trở thành hình mẫu để các địa phương khác trong cả nước nghiên cứu và học tập.
Tỉnh Thái Nguyên đang cụ thể hóa quyết tâm phát triển cây chè trở thành cây trồng tỷ đô bằng Nghị quyết số 11/NQ-TU ngày 3/2/2025 về phát triển ngành chè Thái Nguyên giai đoạn 2025-2030. |
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Thái Nguyên đang tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống nhân dân. Đặc biệt, tỉnh cụ thể hóa quyết tâm phát triển cây trồng chủ lực là chè trở thành cây trồng tỷ đô bằng Nghị quyết số 11/NQ-TU ngày 3/2/2025 về phát triển ngành chè Thái Nguyên giai đoạn 2025-2030.
Các giải pháp đột phá đang được Thái Nguyên tập trung thực hiện là ứng dụng khoa học, công nghệ số trong sản xuất, bảo đảm chất lượng và truy xuất nguồn gốc; phát triển vùng chè với văn hóa trà và du lịch sinh thái, trải nghiệm; xây dựng chuỗi giá trị, phát triển hạ tầng các vùng chè…
Thực hiện lời Bác dạy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định mục tiêu: Xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Những mục tiêu Nghị quyết đề ra đến nay đã dần hiện hữu, giúp tỉnh có những bước tiến dài và sự chuyển biến mạnh mẽ về mọi mặt kinh tế - xã hội.
Tình cảm và những lời căn dặn của Bác đã, đang và sẽ là điểm tựa tinh thần vững chắc, động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và quyết tâm hơn nữa để hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh trở nên giàu có, phồn thịnh; bình yên, hạnh phúc, sung túc và ngày càng phát triển...