Thành phố Thái Nguyên: Chủ động phương châm “4 tại chỗ”

Cập nhật ngày: 11/09/2024 12:57 (Lượt xem: 110021)
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, bám sát các diễn biến của thời tiết, thành phố Thái Nguyên đã và đang tăng cường, chủ động triển khai kịp thời các biện pháp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn cũng như ứng phó, xử lý tình huống và khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Từ khoảng 16h ngày 8/9, mực nước trên sông Cầu lên rất nhanh. Ngay từ đêm 8/9, rạng sáng ngày 9/9 và cả ngày 9-10/9, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố đã trực tiếp kiểm tra tại tuyến đê xung yếu, khu vực có khả năng xảy ra sạt lở đất và các địa điểm bị cô lập hoặc ngập sâu để chỉ đạo thực hiện quyết liệt các phương án ứng phó, xử lý các tình huống và khắc phục hậu quả mưa lũ. Mỗi địa phương, địa bàn, khu dân cư đều thực hiện nghiêm chế độ thường trực, trực ban phòng, chống thiên tai; đảm bảo thông tin liên lạc, báo cáo chính xác, kịp thời theo quy định; đồng thời tập trung huy động lực lượng tại chỗ để ứng trực và triển khai các biện pháp cấp bách hỗ trợ nhân dân sơ tán và di chuyển tài sản, vật nuôi ra khỏi vùng ngập lụt, nguy hiểm đến nơi an toàn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, xử lý tình huống do mưa lũ tại TP. Thái Nguyên (Khu vực cầu Mỏ Bạch)

Có người thân nằm trong “rốn lũ” ở khu vực Đồng Bẩm, chị Nguyễn Thị Ánh, phường Hoàng Văn Thụ không khỏi vui mừng sau 2 ngày đã đón được cả gia đình tới nơi an toàn: “Gia đình có cụ già 95 tuổi, lại có cả bé 6 tháng tuổi, mà mấy ngày nay không liên lạc được, nên chúng tôi rất sốt ruột. Giờ đón được cả gia đình an toàn, chúng tôi rất biết ơn các lực lượng chức năng, lực lượng cứu hộ, nhất là các cán bộ chiến sỹ bộ đội, công an đã rất vất vả. Mong tất cả các hộ gia đình ở vùng ngập sâu sẽ sớm được di chuyển đến nơi an toàn”.

Ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Đồng Bẩm cho biết: “Trận lụt này gây gập cả 10/10 tổ dân phố (TDP) của phường, trong đó 8/10 TDP ngập hoàn toàn, với khoảng 1.700/2.200 hộ bị cô lập. Nước lên rất nhanh, lại chảy xiết khiến cho công tác cứu hộ, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc tiếp cận các hộ dân ở những khu vực giáp sông và ngập sâu để tiếp ứng nhu yếu phẩm cũng như đưa người đến nơi an toàn. Tuy nhiên, do chủ động phương án từ trước, nên ngay khi nước có dấu hiệu lên, lực lượng ứng trực tại chỗ đã tập trung hỗ trợ người dân kê, kích tài sản và sơ tán người đến khu vực an toàn. Nhiều hộ không di chuyển trước đó cũng đã dần được các lực lượng cứu hộ cứu nạn đưa ra khỏi vùng nguy hiểm.”

Công tác cứu hộ, cứu nạn người dân ra khỏi vùng ngập sâu gặp nhiều khó khăn do nước chảy rất xiết

Trong những ngày qua, Ban Chỉ huy Quân sự, Công an thành phố luôn đảm bảo quân số trực 100%, đồng thời huy động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các phường, xã sử dụng ca nô, xuồng máy… đi sâu vào các ngõ, đến từng gia đình để hỗ trợ người dân di chuyển tài sản, đưa những người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em ra khỏi khu vực ngập lụt; đồng thời tăng cường lực lượng tuần tra, canh gác tại các vị trí cầu tràn, đường giao thông bị ngập sâu để tổ chức phân luồng đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, kiên quyết không cho người và phương tiện lưu thông qua khu vực chưa đảm bảo an toàn… Thượng tá Ngô Xuân Long, Chỉ huy trưởng Ban CHQS thành phố Thái Nguyên đánh giá: “Dù rằng đã có những biện pháp chuẩn bị trước đó, nhưng chắc hẳn ít người lường trước được cơn lũ lại lớn như vậy. Nhiều nơi nước ngập sâu đến 3-4m, hàng nghìn hộ phải sơ tán, nhiều người mắc kẹt giữa biển nước trong điều kiện thiếu thức ăn, nước uống… Từ ngày 8-9, Ban CHQS thành phố đã hhuy động lực lượng chạy đua với thời gian, kịp thời chuyển các nhu yếu phẩm đến tay bà con vùng lũ, tìm kiếm người bị mắc kẹt ở những vùng ngập sâu, với phương châm “bảo đảm an toàn cho nhân dân là trên hết”.

Cùng với lực lượng tại chỗ của các địa phương, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh cũng đã điều động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ phối hợp hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn và tập trung gia cố các vị trí xung yếu tại các tuyến đê trên địa thành phố. Ông Đào Hoàng Phương, Phó chủ tịch UBND phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên cho biết: “Phường Trưng Vương có tuyến đê xung yếu ở khu vực trung tâm thành phố. Bởi vậy, ngay sau khi phát hiện nước có dấu hiệu lên nhanh, được sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố, ngoài lực lượng tại chỗ, chúng tôi đã huy động thêm lực lượng dân quân của phường Phan Đình Phùng và cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh để tập trung gia cố ngay chân đê và tiếp tục đắp thêm đê để ngăn nước lũ tràn mặt đê vào thành phố.”

Các khu vực đê xung yếu liên tục được gia cố, nâng cos nền

Do chủ động xác định được mức độ nguy hiểm của cơn bão số 3 từ sớm, cùng những chỉ đạo quyết liệt về công tác sẵn sàng phương tiện, máy móc, lực lượng ứng phó theo phương án đã được duyệt, nên công tác cứu hộ, cứu nạn, ứng phó, xử lý tình huống và từng bước khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn thành phố Thái Nguyên được thực hiện bài bản, đồng bộ và hiệu quả. Nhiều người dân và tài sản đã và đang được lực lượng chức năng của tỉnh, thành phố hỗ trợ di chuyển đến nơi an toàn. Cùng với đó, từ sự vận động, kêu gọi của Ủy ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn, các ngành chức năng thành phố cũng đã kịp thời tổ chức tiếp nhận sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân để chuyển đến những hộ bị ảnh hưởng nặng do ngập lụt và các lực lượng đang làm nhiệm vụ chống lũ. Trong 2 ngày qua, thành phố đã tiếp nhận trên 120 chiếc thuyền cứu hộ; trên 2.000 áo phao và 3.000 đèn pin, cùng nhiều nhu yếu phẩm của hơn 50 tổ chức, cá nhân. Số nhân lực tình nguyện tham gia hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn cũng lên đến hàng nghìn người.

Hàng hóa, nhu yếu phẩm và đồ dùng, thiết bị cứu hộ cứu nạn nhanh chóng được tiếp ứng tại các khu vực bị cô lập

Có mặt tiếp ứng nhu yếu phẩm và các thiết bị cứu hộ cứu nạn tại khu vực cầu Mỏ Bạch, chị Đỗ Việt Hương, Đại diện Cộng đồng CEO 91 Việt Nam xúc động nói: “Thật sự rất ngẹn ngào khi xem những hình ảnh về bà con vùng lũ. Bởi vậy, ngay sau 3 tiếng phát động bạn bè, đồng nghiệp, nhóm tình nguyện của chúng tôi đã nhanh chóng di chuyển tới thành phố Thái Nguyên trong đêm, với một xe hàng hóa 30 tấn, gồm 1 xuồng cứu hộ, 500 chiếc áo phao, 1.000 chiếc đèn pin và rất nhiều lương thực, thực phẩm. Mong rằng bà con Thái Nguyên sẽ sớm vượt qua thiên tai và trở lại cuộc sống bình thường.”

Phát huy tinh thần xung kích, lực lượng đoàn viên, thanh niên thành phố Thái Nguyên cũng đã có mặt tại các khu vực ngập úng để hỗ trợ công tác cứu nạn, cứu hộ. Anh Nguyễn Hải Quân, Phó Bí thư Thành Đoàn Thái Nguyên chia sẻ: “Chúng tôi có 2 lực lượng, gồm: Lực lượng tại chỗ ở các địa phương được thành lập theo chỉ đạo của thành phố và lực lượng cơ động, được huy động từ khối cơ quan, doanh nghiệp, trường học và các địa phương không bị ngập úng, với khoảng hơn 600 tình nguyện viên; ứng trực 24/24h tại các khu vực ngập úng để phối hợp với các lực lượng khác trong công tác tiếp nhận, tiếp ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cứu trợ và đào, đắp gia cố các vị trí xung yếu trên các tuyến đê”.

Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị theo phương châm “4 tại chỗ” trong công tác ứng phó, xử lý sự cố và khắc phục hậu quả do mưa lũ

Đến sáng ngày 11/9, mực nước sông Cầu đã xuống dần, nhiều khu vực, tuyến đường trên địa bàn thành phố, nước đã rút hết, giao thông trở lại bình thường. Các lực lượng chức năng, các tổ chức, đoàn thể tại từng địa phương đang tập trung quét dọn, vệ sinh nhà cửa, sân vườn giúp các hộ dân và các cơ sở giáo dục, trụ sở cơ quan, đơn vị bị nước, bùn ngập. Các đơn vị điện lực, viễn thông cũng đang tích cực khắc phục các sự cố liên quan để cấp điện và nối lại thông tin liên lạc cho từng khu vực.

Các lực lượng tích cực hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ

Dự báo mưa lũ vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ sạt lở đất, đá có thể xảy ra, thành phố Thái Nguyên đang tăng cường chỉ đạo các địa phương rà soát những điểm có nguy cơ sạt lở, đồng thời khắc phục ngay những ảnh hưởng về giao thông, vệ sinh môi trường, y tế. Các cơ sở giáo dục quan tâm vệ sinh trường, lớp học để sớm đưa học sinh trở lại trường. Các ngành chức năng kịp thời thăm hỏi, động viên các hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai; tăng cường định hướng dư luận, công tác truyền thông để người dân không chủ quan với tình hình mưa lũ, xử lý nghiêm những đối tượng đưa thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống lụt bão. Tiếp tục thống kê lại thiết bị phòng, chống thiên tai trong điều kiện diễn biến phức tạp của thời tiết để bổ sung kịp thời, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ. Cùng với đó, nghiên cứu, áp dụng thiết kế van một chiều thoát nước từ TP. Thái Nguyên ra sông Cầu và xem xét xây dựng giải pháp căn cơ để nâng cao hiệu quả hệ thống thoát nước đô thị.

Cho đến nay, thành phố Thái Nguyên luôn tích cực, chủ động và kịp thời trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó tương đối tốt với diễn biến của bão, lũ. Với các biện pháp đồng bộ, quyết liệt của Đảng bộ, Chính quyền thành phố Thái Nguyên, cùng với truyền thống đoàn kết, đồng lòng, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, hỗ trợ nhau trong thiên tai, hoạn nạn của nhân dân trên địa bàn, tin tưởng rằng sẽ sớm khắc phục các hậu quả của lũ lụt, ổn định cuộc sống và sản xuất.

Trung tâm Văn hóa và Truyền thông TP Thái Nguyên
Các tin khác: