Vẫn khát vốn vay giải quyết việc làm

Cập nhật ngày: 06/02/2025 07:10 (Lượt xem: 110003)
Thái Nguyên đang đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ người lao động, giúp họ tạo việc làm và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn để tự lập kinh doanh hoặc mở rộng quy mô sản xuất vẫn đang vượt quá nguồn cung, khiến nhiều gia đình và cá nhân gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Nguồn vốn vay giải quyết việc làm của NHCSXH đã giúp các hộ dân ở Làng nghề miến dong Việt Cường, thị trấn Hóa Thượng, Đồng Hỷ, đầu tư máy móc phục vụ sản xuất.

Theo thống kê từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, những năm gần đây, lượng hồ sơ vay vốn tạo việc làm luôn trong tình trạng quá tải. Hạn mức cho vay tối đa theo quy định hiện hành là 100 triệu đồng/người, tuy nhiên do nguồn vốn hạn chế nên không phải ai cũng có thể vay đủ số tiền mong muốn.

Các đối tượng vay chính thường là lao động nông thôn, thanh niên khởi nghiệp và hộ gia đình có người thất nghiệp hoặc thu nhập thấp. Đặc biệt, tại các vùng nông thôn và miền núi, nhu cầu vay vốn ngày càng trở nên cấp thiết khi nhiều hộ dân muốn mở rộng sản xuất nhưng không có nguồn tài chính.

Ông Nông Quý Hợi, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Đồng Mới, xã Phú Thượng (Võ Nhai), cho biết: Người dân nơi đây chủ yếu trồng cây ăn quả (như na, nhãn, ổi...) nên rất cần nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm do hạn mức cho vay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và thời gian xét duyệt kéo dài.

Trong năm 2024, NHCSXH tỉnh đã giải ngân cho 6.341 lượt khách hàng vay vốn với tổng doanh số trên 492 tỷ đồng; tổng dư nợ nguồn vốn vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh đến ngày 31/12/2024 là trên 1.220 tỷ đồng, với 19.855 lượt khách hàng còn dư nợ. Những con số này phản ánh rõ nhu cầu vay vốn của người dân ngày càng tăng cao và sự cần thiết của việc mở rộng các chương trình hỗ trợ tài chính.

Nếu so sánh với các năm trước đây, số lượt khách hàng vay vốn năm 2024 tăng đáng kể. Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Bình, cho biết: Nhiều hộ chuyển từ canh tác nhỏ lẻ sang sản xuất hàng, đòi hỏi lượng vốn đầu tư cao hơn. Thêm nữa, các địa phương đều gia tăng số lượng lao động tự do và thanh niên khởi nghiệp. Nhiều người trẻ có ý tưởng kinh doanh và muốn thêm nguồn lực tài chính ban đầu. Các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cần vốn để đầu tư vào trang thiết bị, nguyên vật liệu và phát triển thị trường. Trong khi đó, nguồn lực đáp ứng vẫn còn hạn chế. Điều này dẫn đến áp lực lớn trong việc bố trí vốn cho người dân.

Một hộ dân ở xã Liên Minh (Võ Nhai) được vay vốn giải quyết việc làm để đầu tư chăn nuôi gà quy mô lớn.
Một hộ dân ở xã Liên Minh (Võ Nhai) được vay vốn giải quyết việc làm để đầu tư chăn nuôi gà quy mô lớn.

Theo ước tính, nhu cầu vốn để giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh năm 2025 lên tới trên 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo của NHCSXH tỉnh thì tổng nguồn lực từ Trung ương và địa phương chỉ có khả năng đáp ứng khoảng 100 tỷ đồng.

Để cải thiện khả năng tiếp cận vốn vay cho người dân, các cấp chính quyền và NHCSXH đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, việc tăng cường ngân sách ủy thác và thu hút nguồn vốn xã hội hóa được xem là những giải pháp căn cơ.

Để tăng cường ngân sách ủy thác, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan huy động và bổ sung thêm nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH nhằm tăng hạn mức vay. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức tài chính tham gia vào chương trình hỗ trợ vốn vay cho người lao động thông qua các gói tín dụng ưu đãi.

Đối với NHCSXH, bên cạnh việc đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt các yêu cầu về giấy tờ cho khách hàng, đơn vị xem xét phương án vay vốn không cần thế chấp hoặc áp dụng hình thức tín chấp dựa trên uy tín và lịch sử tín dụng. Cùng với đó, NHCSXH đẩy nhanh tiến độ xét duyệt và giải ngân, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ, tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý và xét duyệt hồ sơ vay vốn để hỗ trợ người dân kịp thời.

Ngoài ra, NHCSXH tăng cường truyền thông và tư vấn, cung cấp thông tin minh bạch về các chương trình vay vốn, hỗ trợ người dân trong quá trình làm hồ sơ và giải đáp thắc mắc. Quan trọng hơn cả, các cấp, ngành cần hỗ trợ đào tạo kỹ năng kinh doanh cho người dân, kết hợp với các chương trình đào tạo, hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả để đảm bảo khả năng hoàn trả và phát triển kinh tế bền vững...

Nếu các giải pháp này được thực hiện đồng bộ, người dân Thái Nguyên sẽ có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn để khởi nghiệp và mở rộng sản xuất, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

https://www.baothainguyen.vn/xa-hoi/202502/van-khatvon-vay-giai-quyet-viec-lam-36b1c87/
Các tin khác: