Xung quanh tình trạng ô nhiễm do cá chết tại hồ điều hòa Xương Rồng

Cập nhật ngày: 28/07/2016 03:09 (Lượt xem: 110160)
Ngày 26-7 vừa qua, Báo Thái Nguyên đã đưa thông tin về hiện tượng cá chết hàng loạt gây ô nhiễm môi trường tại hồ điều hòa Xương Rồng, thuộc phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên). Để tìm hiểu rõ hơn về hiện tượng này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Ngô Trí Vĩnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) Khu đô thị hồ Xương Rồng (đơn vị trực tiếp quản lý hồ điều hòa Xương Rồng).

Một góc của hồ điều hòa Xương Rồng, phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên.

 

 

P.V: Thưa ông, trước đây có hiện tượng cá chết hàng loạt như vậy không?

 

Ông Ngô Trí Vĩnh: Hiện tượng cá chết như đợt này (từ ngày 7-7 đến 20-7 vừa qua) là chưa có tiền lệ. Công trình hồ điều hòa Xương Rồng thuộc Dự án Khu đô thị hồ Xương Rồng được khởi công từ tháng 10/2011, hoàn thành tháng 10/2013 và đưa vào vận hành đầu năm 2014 đến nay vẫn luôn đảm bảo các chỉ tiêu về chất lượng môi trường nước trong hồ. Trước thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết, khu vực xung quanh hồ điều hòa Xương Rồng môi trường rất trong lành, người dân thường đi dạo, tập thể dục và vãn cảnh.

 

P.V: Theo ông nguyên nhân nào gây nên hiện tượng cá chết trong thời gian vừa qua?

 

Ông Ngô Trí Vĩnh: Về nguyên nhân cá chết hàng loạt theo tôi là do trong đợt mưa lũ xảy ra trên địa bàn T.P Thái Nguyên từ ngày 1 đến 7-7/-2016, theo chỉ đạo của cơ quan chức năng, Ban QLDA buộc phải nâng toàn bộ hệ thống cửa van thượng lưu để ứng phó với diễn biến thời tiết bất thường. Việc kéo cửa van thượng lưu đồng nghĩa với chấp nhận để toàn bộ rác thải, nước thải đổ về hồ, đặc biệt là nước thải bệnh viện, nước thải sinh hoạt của người dân đổ vào hồ với nồng độ ô nhiễm cao đã khiến cho cá trong hồ không thích nghi và chết hàng loạt.

 

P.V: Trước hiện tượng cá chết hàng loạt, Ban QLDA đã có những biện pháp khắc phục như thế nào, thưa ông?

 

Ông Ngô Trí Vĩnh: Ngay sau trận mưa ngày 1-7-2016, Ban QLDA đã chỉ đạo Tổ vệ sinh môi trường của Dự án tiến hành vớt rác, xác cá chết tập kết thành đống trên bờ kè hồ Xương Rồng. Do lượng rác thải vớt lên lớn, Ban QLDA đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên để vận chuyển đổ thải đúng nơi quy định.Tuy nhiên hiện tượng cá chết hàng loạt không diễn ra tức thì mà diễn biến đến hơn 10 ngày sau đó. Để kịp thời xử lý không ảnh hưởng tới môi trường Ban QLDA đã chỉ đạo Tổ Vệ sinh môi trường  hàng ngày thực hiện việc vớt xác cá chết, đóng gói trong bao tải, đào hố và tẩm dầu để đốt sạch, sau đó cho rắc vôi bột khử trùng và lấp đất chặt ngăn mùi hôi thối bốc lên. Và công việc này hiện nay vẫn tiếp tục được duy trì và đến nay lượng cá chết đã giảm hẳn. Tuy nhiên, các biện pháp lâu dài để xử lý môi trường nước thì cần phải có thời gian, dự kiến trong vòng 6 tháng mới dứt điểm được, các biện pháp xử lý như: Rắc vôi bột, xử lý bằng hóa chất khử trùng, trồng các loại cây thủy sinh và thả bổ sung các loại cá ăn tạp như cá chim, cá trê để ăn hết các tạp chất, bùn gây mùi trong lòng hồ..vvv

 

P.V: Để tránh xảy ra các vấn đề ô nhiễm môi trường, ông có kiến nghị hay đề xuất gì với các cấp, ngành chức năng?

 

Ông Ngô Trí Vĩnh: Nhân vụ việc nêu trên, tôi cũng có kiến nghị như sau: Hiện nay Dự án Khu đô thị hồ Xương Rồng chưa hoàn thiện nhưng chúng tôi cũng muốn T.P Thái Nguyên tiếp nhận trước hệ thống hạ tầng kỹ thuật thoát nước của Dự án ( bao gồm: Lòng hồ Xương Rồng, kè hồ, hệ thống nâng hạ cửa van bằng động cơ điện, cống hộp thu thoát nước ra vào hồ và cống thoát nước mùa khô) để Thành phố chủ động trong công tác phòng chống lũ lụt được kịp thời, giảm thiểu tối đa rủi ro cũng như thiệt hại cho người dân vào mùa mua lũ. Trung tâm phát triển quỹ đất T.P Thái Nguyên cũng cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các hộ dân ở khu vực ngõ 723 đường Lương Ngọc Quyến hiện đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa bàn giao mặt bằng để chúng tôi thi công khớp nối hoàn thiện hệ thống thoát nước của dự án tránh ngập úng vào mùa mưa lũ. Ban QLDA cũng đề nghị Công ty TNHH MTV Thoát nước và phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công lắp đặt, vận hành trạm bơm SP9 để phát huy tối đa khả năng tiêu thoát nước trong trường hợp lưu lượng nước đổ về hồ lớn để tránh tình trạng ô nhiễm trong lòng hồ.

 

P.V: Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: