CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT ĐƯỜNG PHỐ: “THÁI NGUYÊN RẠNG RỠ THÀNH PHỐ THÁNG MƯỜI - ĐÊM HỘI TRUNG THU XỨ TRÀ 2023”
Cập nhật ngày: 20/09/2023 09:58 (Lượt xem: 111077)Chương trình được tổ chức từ 19h00 đến 22h00trong 2 ngày 28 và 29 tháng 9 (tức 14 và 15 tháng 8 âm lịch) tại các khu vực: Quảng trường Võ Nguyên Giáp, Đảo tròn trung tâm Thành phố; các tuyến đường Hoàng Văn Thụ, Đội Cấn, thành phố Thái Nguyên.
Chương trình sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn với màn diễn diễu của gần 60 mô hình đèn sáng tạo nghệ thuật của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học và các phường, xã trên địa bàn. Đặc biệt, còn có sự tham gia của các mô hình đèn đến từ các bạn Lào, Cam Pu Chia, Philippin, Đông Timo, Nigieria do các du học sinh đang theo học tại Thái Nguyên sáng tạo.
Mô hình đèn đến từ nước bạn Lào (Laos) được mô phỏng theo ngôi Bảo tháp Phật giáo Pha That Luang hay còn gọi là Đại Tháp Vàng. Đây được coi là biểu tượng quốc gia quan trọng nhất và là di tích thiêng liêng của Phật giáo và chủ quyền của Lào.
Mô hình đèn đến từ nước bạn Cam Pu Chia (Cambodia) được mô phỏng theo ngôi đền Angkor Wat ở Siêm Riệp, Cam Pu Chia. Đây là di tích tôn giáo lớn nhất thế giới, một địa điểm quan trọng tiêu biểu cho các giá trị văn hoá, tôn giáo và biểu tượng, cũng như có ý nghĩa kiến trúc, khảo cổ và nghệ thuật cao.
Mô hình đèn đến từ đất nước Phi líp pin (Philippin) được mô phỏng theo chiếc xe Jeepney. Đây là loại xe phổ biến, là phương tiện giao thông công cộng chỉ có ở Philippin và phản ánh tinh thần của người Philippin kiên cường, đổi mới và lạc quan
Mô hình đèn đến từ đất nước Đông Timo (East Timor) được mô phỏng theo hình dạng uốn cong của vật trang trí phía trước đầu này - “Kaebauk” - (Hợp kim vàng, thế kỷ 19-20), được tìm thấy ở miền trung Timor, gợi lên hình trăng lưỡi liềm của sự đổi mới, sừng của trâu nước hiến tế và những chiếc thuyền mà tổ tiên sáng lập đã đi trên đó hành trình để thành lập cộng đồng.
Mô hình đèn đến từ đất nước Ni ghê ri a (Nigeria) được mô phỏng theo Nhà thờ Hồi giáo Quốc gia. Đây là một di tích Hồi giáo và một báu vật quốc gia nằm ở trung tâm thủ đô của Ni ghê ri a, đóng vai trò là biểu tượng của sự đoàn kết cho cộng đồng Hồi giáo Ni ghê ri a
* Mô hình đèn sáng tạo nghệ thuật tham gia đêm hội của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các xã, phường với gần 60 đơn vị tham gia:
Tác phẩm “Mục đồng cưỡi trâu”, là mô hình đèn sáng tạo nghệ thuật của xã Phúc Hà, thành phố Thái Nguyên. Thông qua tác phẩm, nhằm tái hiện một nét đẹp văn hóa dân gian, thể hiện sự gần gũi, bình dị, gắn liền với làng quê Việt Nam, hàm chứa những ý nghĩa độc đáo.Thể hiện ước nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, người người ấm no hạnh phúc, mùa màng tốt tươi; khát vọng hướng đến giá trị nghệ thuật, giá trị tinh thần bởi cuộc sống nông thôn dù vất vả thì con người vẫn lạc quan trong tiếng sáo, tìm đến những niềm vui trong nghệ thuật. Đặc biệt là mong muốn các em thiếu nhi luôn ngoan ngoãn, sáng tạo, thông minh và biết giúp đỡ ông bà cha mẹ.
Rồng - là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong nền văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Rồng là linh vật đứng đầu trong tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng). Với truyền thuyết Con Rồng, cháu Tiên, Rồng là niềm tự hào về dòng giống, cội nguồn của người Việt.Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, các thế hệ người Việt truyền tụng rằng tổ tiên của chúng ta là dòng giống Tiên Rồng, tượng trưng cho những phẩm chất cao đẹp, tính nhân văn, tinh thần cao thượng, sức mạnh và lòng quả cảm của dân tộc Việt Nam. Chính bởi ý nghĩa đó, rất nhiều địa phương, đơn vị đã chọn biểu tượng Rồng để làm mô hình đèn sáng tạo. Tiêu biểu nhưtác phẩm “Rồng vàng” của Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên…
“CÁNH CHIM THÉP - TISCO LỚN MẠNH CÙNG ĐẤT NƯỚC” là tên tác phẩm đèn Trung thu của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên tham gia đêm hội Trung thu xứ Trà. Tác phẩm đèn sáng tạo nghệ thuật của Công ty là biểu tượng CÁNH CHIM ĐẦU ĐÀN của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển.
Tác phẩm “Ấm trà” là mô hình đèn sáng tạo nghệ thuật của Công ty Cổ phần Nhiệt điện An Khánh hướng tới hình ảnh quê hương xứ trà Thái Nguyên vớinét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời, vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi “tinh hoa hội tụ”, “sơn thủy hữu tình” và nổi tiếng với danh xưng “Đệ nhất danh trà” vươn tầm châu lục và thế giới
Bên cạnh màn diễn diễu của gần 60 mô hình đèn sáng tạo nghệ thuật, tại Chương trình Nghệ thuật đường phố: “Thái Nguyên rạng rỡ thành phố tháng Mười -Đêm hội Trung thu xứ Trà 2023, khán giả còn được thưởng thứcmột đại tiệc âm nhạc hấp dẫn, độc đáo và ấn tượng cùng các tiết mục Xiếc đường phố do Liên đoàn Xiếc Việt Nam biểu diễn; những điệu múa Lăm Vông của nước bạn Lào, điệu Apsara của đất nước Cam Pu Chia, các tiết mục của các Nhóm nhảy hiện đại,ban nhạc và ca sĩ đến từ Pháp, Phi Lip Pin.Đặc biệt có sự xuất hiện của các nhân vật cổ tích trên các xe hình nộm như: Phù thủy cưỡi chổi, Gia đình Thổ dân châu Phi bụng bự, Thổ dân Da đỏ Châu Mỹ, chú bé Buratino mũi dài cùng ông thợ mộc hiền lành mũi đỏ, nàng tiên cá xinh đẹp…
Với sự góp mặt của các tiết mục:
Xiếc đường phố (Liên đoàn xiếc Việt Nam)
Gồm: Đi xe đạp 1 bánh, Tung hứng, Chú Hề, Patin, Lắc vòng, Thổi lửa…
Múa Lăm Vông của Lào
Đối với người Lào, các lễ hội hay ngày vui trong gia tộc, cộng đồng đều không thể thiếu điệu múa lăm vông. Điệu múa lăm vông của dân tộc Lào là hình thức sinh hoạt tập thể vui tươi, có tác dụng giáo dục thẩm mỹ và kết nối tình hữu nghị giữa các dân tộc.Theo tiếng Lào “lăm” là hát, “vông” là tròn, múa lăm vông là hát múa theo hình tròn. Vì vậy, múa lăm vông phải có cả một đội xếp theo hình vòng tròn, chuyển động theo tiếng nhạc. Với dân tộc Lào, lăm vông như cơm ăn, nước uống mà ai cũng biết từ lúc mới lên 3 lên 5. Điệu múa lăm vông không thể thiếu trong các dịp Lễ tết cổ truyền của người Lào.
Múa Apsara của Cam Pu Chia
Điệu múa Apsara của Campuchia nói lên ước mong về một cuộc sống thanh bình, thịnh vượng, ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước, thần thánh và công đức của người xưa. Ngoài ra là những câu chuyện xúc động về sinh, bệnh, lão, tử… bốn giai đoạn cuộc đời phải trải qua, để thế hệ sau được thấu hiểu, chiêm nghiệm và gìn giữ những giá trị văn hóa, tinh thần to lớn của dân tộc.
Nhóm vũ công: Limass;
Nhóm nhảy đường phố
* Sự góp mặt của các ca sỹ nước ngoài
Ca sỹ người Pháp: Kenjah David
Ca sỹ người Philippin: Darlin Joyce
* Nhóm các xe hình nộm:
- Xe hình nộm Phù thủy cưỡi chổi cùng các vũ công trang phục công chúa tay cầm các cây đũa thần. Xe mô hình được trang trí các toà lâu đài Châu Âu thời trung cổ với tháp canh và tường thành đá.
- Xe hình nộm Gia đình Thổ dân châu Phi bụng bự cùng các vũ công trang phục hoá trang thổ dân châu Phi. Xe được trang trí mô hình các con vật Sư tử, Hươu cao cổ, Voi, Khỉ đột…vv cây Bao báp.
- Xe hình nộm Thổ dân Da đỏ Châu Mỹ cùng vũ công lông chim công rực rỡ. Trang trí xe bằng các dãy núi và giáo dài
- Xe hình nộm chú bé Buratino mũi dài cùng ông thợ mộc hiền lành mũi đỏ cùng các vũ công trang phục chú hề.
- Xe hình nộm Nàng Tiên cá cùng các vũ công mặc trang phục vây cá. Xe trang trí các loài dưới biển như Bạch tuộc, Cá mập, vỏ sò…vv
Chương trình nghệ thuật đường phố: “Thái Nguyên rạng rỡ thành phố tháng Mười – Đêm hội Trung thu Xứ Trà năm 2023” là sự kiện văn hoá đặc sắc không chỉ tạo điểm nhấn trong quảng bá, giới thiệu hình ảnh về mảnh đất, con người, nét văn hoá đặc trưng của thành phố Thái Nguyên mà còn là cơ hội để thành phố Thái Nguyên khẳng định được bước tiến mới trong xúc tiến, đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, du lịch trên địa bàn; hướng tới đẩy mạnh giao lưu văn hoá, hợp tác giữa thành phố Thái Nguyên với các địa phương trong cả nước. Đây thực sự là một cơ hội để du khách thập phương và người dân Thái Nguyên cùng nhau tận hưởng bầu không khí sôi động của Tết Trung thu, trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc và độc đáo của vùng đất xứ Trà và cùng giao lưu văn hóa với các địa phương trong và ngoài nước.