Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ: Tháo gỡ vướng mắc, thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Cập nhật ngày: 26/05/2023 09:52 (Lượt xem: 965)
Ngày 25-5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thái Nguyên làm việc tại tổ thảo luận số 7 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lâm Đồng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung uơng Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, điều hành thảo luận.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung uơng Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, điều hành thảo luận tổ.

Theo chương trình làm việc, các ĐBQH thảo luận tại tổ về các nội dung: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021; việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội…

Đại biểu Hoàng Anh Công (Đoàn Thái Nguyên) đề nghị cần quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo nền tảng pháp lý cũng như cơ chế, chính sách để phục hồi nền kinh tế.
Đại biểu Hoàng Anh Công (Đoàn Thái Nguyên) đề nghị cần quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo nền tảng pháp lý cũng như cơ chế, chính sách để phục hồi nền kinh tế.

Tham gia thảo luận, đại biểu Hoàng Anh Công (Đoàn Thái Nguyên) đề nghị cần quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo nền tảng pháp lý cũng như cơ chế, chính sách để phục hồi nền kinh tế. Đại biểu cho biết, qua theo dõi của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, thị trường bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng gặp khó khăn, cần sớm có giải pháp căn cơ, triệt để nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiện tại, huy động nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) để hòa vào lưới điện quốc gia, đảm bảo phát triển năng lượng bền vững, hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn Thái Nguyên) đánh giá các chương trình mục tiêu quốc gia góp phần quan trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn Thái Nguyên) đánh giá các chương trình mục tiêu quốc gia góp phần quan trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Phát biểu về việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững và phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn Thái Nguyên) đánh giá, các chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện 3 chương trình này tại các địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, như: Tốc độ giải ngân các chương trình năm 2022 còn chậm; hệ thống văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện của các bộ, ngành Trung ương ban hành còn chậm và thiếu đồng bộ, dẫn đến việc phân bổ, giải ngân nguồn vốn một số nội dung, dự án bị chậm so với tiến độ kế hoạch; việc triển khai lồng ghép nguồn vốn giữa 3 chương trình rất khó thực hiện do không xác định được nội dung và phương pháp lồng ghép…

Để tạo căn cứ pháp lý thống nhất, thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị có liên quan rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thực hiện một số nội dung, dự án, tiểu dự án của 3 chương trình mà hiện nay còn vướng mắc, kịp thời khắc phục những khó khăn trong triển khai thực hiện. Từ đó góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả thực hiện 3 chương trình.

Về vấn đề đổi mới, sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước, đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị Quốc hội tổ chức đoàn công tác tiến hành khảo sát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc đặc thù của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên trong quá trình tái cơ cấu, đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp; Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần xem xét, đánh giá việc cơ cấu lại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên để có phương án xử lý phù hợp.

Tham gia ý kiến về việc đăng kiểm xe cơ giới trong thời gian gần đây, đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn Thái Nguyên) đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có phương án tăng cường đăng kiểm viên cho các trung tâm đăng kiểm; đồng thời có phương án tiếp tục nới thời gian quá hạn đăng kiểm từ 3 đến 6 tháng để tháo gỡ khó khăn cho các trung tâm đăng kiểm, các doanh nghiệp vận tải và người dân.

Đóng góp ý kiến đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2022, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2023, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) đề nghị Chính phủ cần đánh giá, nhận diện thêm về tác động của tình hình KT-XH đến tư tưởng, tâm lý của người dân, trong đó có những tác động tiêu cực làm giảm động lực phát triển của xã hội; đồng thời, tăng thêm dung lượng trong báo cáo về nội dung thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia...

https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202305/dai-bieu-quoc-hoi-thao-luan-tai-to-thao-go-vuong-mac-thuc-hien-hieu-qua-3-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-5e92275/
Các tin khác: