Nhận diện những thủ đoạn lợi dụng thương hiệu 'chè Thái Nguyên' để lừa đảo - Kỳ 1: Muôn kiểu lừa

Cập nhật ngày: 27/05/2025 08:57 (Lượt xem: 110003)
Thời gian gần đây, trên các hội nhóm mua bán chè Thái Nguyên, nhiều thành viên đã đăng thông tin cảnh báo về việc đối tượng lừa đảo bán hàng không đúng như quảng cáo, chất lượng kém, chè nhuộm hoá chất, lẫn tạp chất dù mua với giá cao. Một số đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa tiền trong tài khoản của người bán chè thông qua thủ đoạn đặt mua chè, chuyển tiền đặt cọc từ nước ngoài và yêu cầu người bán cung cấp thông tin tài khoản cho chúng.

Thái Nguyên là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai gian hàng sản phẩm địa phương trên sàn thương mại điện tử, trong đó có sản phẩm chè.

Thương hiệu chè Thái Nguyên được lan tỏa

Với sản lượng ngày càng tăng (năm 2024, sản lượng chè búp tươi của tỉnh đạt 272,8 nghìn tấn, sản lượng trà sau chế biến đạt 54,6 nghìn tấn), nhu cầu tiêu thụ mặt hàng chủ lực này của tỉnh rất lớn. Thái Nguyên đặc biệt quan tâm tới việc bán chè thông qua sàn giao dịch thương mại điện từ và là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai gian hàng sản phẩm địa phương trên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh chè, sản phẩm chè đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước, như TikTok, Shopee, Lazada… đến với đông đảo người tiêu dùng trong, ngoài nước.

Mục tiêu của tỉnh đến cuối tháng 6-2025, 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh có sản phẩm tiềm năng phải thiết lập và duy trì hiệu quả kênh bán hàng trực tuyến trên các sàn TMĐT; cuối tháng 11-2025, gian hàng cấp tỉnh của Thái Nguyên phải được thiết lập và vận hành hiệu quả trên các sàn TMĐT lớn. Cho đến nay, hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp đã ứng dụng quảng bá sản phẩm chè trên kênh mạng xã hội, như: Facebook, Tiktok…

Khách hàng trong, ngoài tỉnh đều có thể dễ dàng chọn đặt mua loại sản phẩm mà mình yêu thích. Từ đó, mở ra cơ hội cho những người làm chè Thái Nguyên khi nhiều hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh chè của tỉnh đã tăng đáng kể doanh số, doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, đi cùng với đó là hàng loạt trang bán hàng giả danh thương hiệu “chè Thái Nguyên”, “chè Tân Cương” đã được lập ra để lừa đảo.

"Nở rộ" lừa đảo trên các hội nhóm mua, bán chè

Tại các hội nhóm công khai “Mua bán chè Thái Nguyên ” (hơn 107 nghìn thành viên) “Chợ chè Thái Nguyên” (hơn 25 nghìn thành viên), nhiều thành viên đăng bài cảnh báo các trang bán chè giả, chè kém chất lượng. Ông Trần Dương Châu (Hà Nội) đăng: Mình xin phốt Hoàng Trà Thái Nguyên (địa chỉ: Phố Liên Sơn, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) bán hàng gian dối, lừa đảo khách hàng, tư vấn 1 kiểu bán 1 kiểu. Tư vấn bán cho mình chè móc câu đậm vị hảo hạng, bán cho mình chè rẻ tiền, nhiều phẩm màu. Gọi điện nhắn tin không giải quyết. Khách hàng lưu ý bọn lừa đảo này. Mình tin tưởng trên nhóm nên không kiểm tra hàng.

Nhiều chủ cơ sở bán chè ở Thái Nguyên đã lên tiếng cảnh báo để người tiêu dùng không mắc bẫy các đối tượng lừa đảo, bán sản phẩm chè không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ông Lê Hữu (85 tuổi, Long An) bình luận: Niềm vui tuổi già chỉ có ấm trà mỗi sáng mà họ nỡ lừa đảo, tôi mua 1kg chè tôm nõn giá 500 ngàn đồng của trang “Em Vương - Trà Ngon Số 1 Thái Nguyên, địa chỉ: Xóm Đồng Tiến, xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên” nhưng khi nhận lại là chè bồm lẫn tạp chất, nước đen sì đục ngầu mùi hôi…

Ông Hữu nói, mặc dù người thân cảnh báo không nên mua hàng trên mạng, nhưng tôi xem trên các phương tiện truyền thông thấy TMĐT của tỉnh Thái Nguyên rất phát triển, hơn nữa trên trang bán chè của cháu Vương có số điện thoại liên hệ, email, lại có địa chỉ tại Làng nghề truyền thống xóm Đồng Tiến, xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên nên khá tin tưởng. Tuy nhiên, khi liên hệ để phản hồi và đề nghị hỗ trợ đổi sản phẩm thì phát hiện ra đã bị chặn điện thoại và tin nhắn không liên lạc được nữa.

 

Khách hàng cảnh báo nhiều trang bán chè lừa đảo khách hàng như: “Cháu Vương - Trà Ngon - Thái Nguyên” với 10 nghìn lượt thích và 12 nghìn người theo dõi; “Trà Cháu Vương - Thái Nguyên; Trà Sạch - Em Thắm Vương; Cháu Thắm Vương - Trà Ngon Thái Nguyên; Cháu Vương - Trà sạch Giá Gốc; Giang trà - Tân Cương Thái Nguyên, Khánh Trung Trà 1 Trà Tân Cương Thái Nguyên; Phát Linh trà - Trà Thái Nguyên; Trà quê em; Trà Tân Cương Thái Nguyên…

Những chiếc “bẫy” tinh vi

Để lừa đảo người tiêu dùng, nhiều đối tượng đã lợi dụng thương hiệu trà Thái Nguyên để bán chè “rởm”. Đơn cử như hợp tác xã (HTX) chè của đối tượng tên là Vương nêu trên. Theo chia sẻ của ông Dương Văn Vượng, Chủ tịch UBND xã La Bằng (Đại Từ), địa phương có 9 xóm, trong đó tất cả các xóm đều được công nhận là làng nghề chè, với nhãn hiệu tập thể chè La Bằng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp. “Thương hiệu” chè La Bằng đã có uy tín trên thị trường, được khách hàng tin tưởng.

Xã cũng đã nhận được thông tin có đối tượng “Em Vương”, “cháu Vương”, “HTX chè Vương Thắm” có địa chỉ tại xóm Đồng Tiến, xã La Bằng, bán chè chất lượng kém trên các nền tảng mạng xã hội. Ông Dương Văn Vượng cho biết thêm: Tôi là công dân của xóm Đồng Tiến và tôi đã trực gọi tiếp gọi điện nhưng đối tượng còn thách thức tôi. Chúng tôi khẳng định trường hợp này không phải công dân địa phương và cũng không liên kết với hộ dân nào ở địa phương sản xuất kinh doanh chè nhưng vẫn lấy địa chỉ và thương hiệu xóm Đồng Tiến, xã La Bằng, để lừa đảo người tiêu dùng. Hiện xã đang phối hợp với ngành Công an điều tra xử lý.

Ngoài ra, nhiều HTX, cơ sở sản xuất chè của tỉnh cũng bị đánh cắp hình ảnh, video để lừa đảo khách hàng như cơ sở sản xuất An Hải Trà (xã Quyết Thắng, TP. Thái Nguyên) bị các đối tượng lập trang giả mạo có tên “Long Hải Trà”, “Hải Trà tea”. Hay như HTX Trà quê em (xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên) đã bị đối tượng lừa đảo đánh cắp hình ảnh để lập các trang page mang tên Trà quê em xuất hiện quảng cáo chè búp Tân Cương đặc sản chỉ 150 nghìn đồng/kg miễn tiền vận chuyển nên lừa được rất nhiều người mua. Mỗi khi bị báo xấu, một trang mới lại được lập như Trà quê em 6, Trà quê em 13, Trà quê em 15…

Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh chè rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi bị mạo danh cơ sở mình gửi chè cho khác hàng, thậm chí cả khách quen. Chị Hoàng Yến ở xã Minh Lập (Đồng Hỷ) kêu cứu trên các hội nhóm mua bán chè: Mọi người lưu ý, giờ bọn nó còn ăn trộm thông tin khách hàng, để tên người gửi là địa chỉ nhà em rồi gửi hàng cho khách nhưng chè thì không thể tả nổi. Các bác hãy cẩn thận và nhớ cảnh báo với tất cả khách hàng của mình nhé!

Đối tượng lừa đảo đã lấy cắp hình ảnh, video của các cơ sở sản xuất trà uy tín của Thái Nguyên để thành lập các trang bán chè không rõ nguồn gốc, xuất xứ, làm ảnh hưởng đến uy tín chè Thái Nguyên.

Không chỉ lợi dụng thương hiệu chè Thái để lừa đảo bán hàng, nhiều đối tượng còn giả danh người mua để chiếm đoạt tiền của những người sản xuất, kinh doanh chè chân chính ở Thái Nguyên. Trên nhóm “”Mua bán chè Thái Nguyên”, thành viên Ngọc Tuấn Anh, một hộ chuyên sản xuất, kinh doanh chè đăng bài vào ngày 5/5/2025 có nội dung: Cảnh báo lừa đảo! Hiện tại các nhóm chè đã có những thành phần lừa đảo, em lên 1 bài để quý anh chị cô bác cẩn trọng trong các giao dịch. Em mới gặp hôm qua, đối tượng giả vờ là người mua hàng rồi đòi chuyển khoản trước theo kiểu liên ngân hàng. Nó nói là đang ở nước ngoài, nó làm giả 1 hoá đơn chuyển khoản số tiền mua, rồi có thêm 1 người nữa là đồng bọn của nó gọi yêu cầu mình xác nhận chuyển tiền, đòi mình gửi lịch sử chuyển khoản ngân hàng của mình. Sau đó nó gửi cho mình 1 đường link độc khi bấm vào sẽ bay sạch tiền trong tài khoản!

Chiêu trò này đã được các đối tượng áp dụng với rất nhiều người, trong đó có người đã bị lừa đảo với số tiền khá lớn. Theo xác nhận của thành viên Tùng Hiên (Đại Từ, Thái Nguyên) trong hội nhóm bán chè Thái Nguyên, người quen của gia đình đã bị lừa “bay sạch” 50 triệu đồng trong tài khoản. Chị nhắn nhủ: Mọi người cảnh giác với những khách mua hàng quá dễ dãi, mặt hàng đắt, số lượng lớn, đặt mua ngay không cần tư vấn thì nên cẩn thận đề phòng. Đã có một số trường hợp trên nhóm có khách mua buôn chấp nhận giá cao nhưng sau đó quỵt nợ hàng chục triệu đến cả trăm triệu đồng.

Có một số hộ phản ánh được mời mua kênh Tiktok chuyên về trà để thực hiện bán hàng trực tuyến, mặc dù đã chuyển tiền nhận nick nhưng sau đó không thể đăng nhập và phát hiện kênh đó lại đã được bán cho người khác sử dụng.

https://www.baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202505/nhan-dien-nhung-thu-doan-loi-dung-thuong-hieu-che-thai-nguyende-lua-dao-ky-1-muon-kieu-lua-9871ec6/
Các tin khác: