Siết chặt kiểm tra sữa, thực phẩm chức năng giả

Cập nhật ngày: 13/05/2025 07:38 (Lượt xem: 110002)
Trước tình trạng buôn bán sữa giả, thực phẩm chức năng giả có dấu hiệu gia tăng, lực lượng Quản lý thị trường Thái Nguyên đang siết chặt kiểm tra, xử lý. Song song với đó, công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân biệt hàng thật - hàng giả cũng được đẩy mạnh, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và quyền lợi của người tiêu dùng.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra các mặt hàng thực phẩm chức năng tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP. Thái Nguyên.

Ngay sau khi nhiều vụ việc liên quan đến các mặt hàng như thuốc, sữa, thực phẩm chức năng giả liên tiếp được lực lượng chức năng trên cả nước phát hiện và xử lý, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra một số điểm kinh doanh sữa, thực phẩm chức năng trên địa bàn tỉnh.

Riêng trong tháng 4-2025, Chi cục QLTT tỉnh phát hiện và xử lý 5 vụ vi phạm liên quan đến mặt hàng sữa với hơn 70 hộp sữa dạng bột không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp, bao bì ghi tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định. Chi cục đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 31 triệu đồng; trị giá hàng hóa buộc phải tiêu hủy là 41,5 triệu đồng.

Ngoài ra, Chi cục QLTT tỉnh cũng kiểm tra, xử lý 1 vụ liên quan đến thực phẩm chức năng, thu giữ 300 gói bổ thận. Toàn bộ đều không rõ xuất xứ, được quảng cáo qua mạng xã hội và bán cho người tiêu dùng với giá cao gấp nhiều lần giá trị thực tế. Chi cục đã xử phạt cơ sở này 12 triệu đồng, trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy là 18 triệu đồng… 

“Hiện nay, lợi dụng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, tăng cường miễn dịch sau dịch bệnh của người dân, nhiều đối tượng đã trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng vào thị trường. Đặc biệt, các loại sữa cho trẻ em và thực phẩm chức năng hỗ trợ người cao tuổi là nhóm hàng có nguy cơ bị làm giả cao nhất” - chủ một cửa hàng kinh doanh ở phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên) thông tin.

Tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả, vi phạm về sở hữu trí tuệ và an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức đối với công tác QLTT.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành kiểm tra, phát hiện 176 vụ vi phạm, qua đó xử phạt hành chính với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng.

Trong đó, nổi cộm là 37 vụ liên quan đến buôn lậu; 72 vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 15 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm; 15 vụ trong lĩnh vực thương mại điện tử và 27 vụ không đáp ứng quy định về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Cùng với việc xử phạt, lực lượng chức năng đã buộc tiêu hủy hàng trăm sản phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng - thể hiện sự cương quyết trong bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.

“Chúng tôi tăng cường kiểm tra cả ở các chợ truyền thống và các cơ sở bán hàng online, kho hàng trên nền tảng thương mại điện tử. Có những vụ việc đối tượng thuê nhà trọ để tập kết hàng giả rồi bán qua Facebook, Zalo, gây khó khăn cho việc phát hiện. Tuy nhiên, với các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng QLTT vẫn kiên quyết truy đến tận gốc” - ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Chi cục trưởng QLTT tỉnh, khẳng định.

Không chỉ dừng lại ở việc xử lý vi phạm, lực lượng QLTT tỉnh còn chú trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân về vấn đề này - yếu tố then chốt giúp ngăn chặn hàng giả từ sớm, từ xa.

Ông Nguyễn Hữu Lợi cho biết thêm: Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (tháng 4 và 5-2025), các đội QLTT tăng cường phối hợp với các xã, phường tổ chức nhiều buổi truyền thông tại các chợ, khu dân cư, hướng dẫn người dân cách phân biệt sữa thật - sữa giả, thực phẩm chức năng uy tín và hàng trôi nổi.

Sữa giả, thực phẩm chức năng giả không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ, người già và người bệnh.

Để ngăn chặn triệt để vấn nạn này, bên cạnh sự vào cuộc xử lý quyết liệt của lực lượng chức năng, cần sự phối hợp của các cơ sở kinh doanh chân chính trong việc tố giác hành vi gian lận thương mại; đồng thời, mỗi người tiêu dùng cần tỉnh táo, không chạy theo quảng cáo rẻ - đẹp - tiện mà đánh đổi sức khỏe.

“Hãy là người tiêu dùng thông minh. Khi phát hiện hàng hóa nghi là giả, người dân có thể gọi điện vào đường dây nóng của Chi cục QLTT tỉnh Thái Nguyên theo số 0208.3855.803 để được tiếp nhận thông tin và xử lý kịp thời” - ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh, nhấn mạnh. 

Theo chia sẻ từ Chi cục QLTT tỉnh Thái Nguyên, để nhận biết sữa và thực phẩm chức năng giả, người tiêu dùng nên lưu ý:

🔸 Kiểm tra nhãn mác: Hàng thật luôn có đầy đủ tem phụ tiếng Việt, thể hiện nhà nhập khẩu, thành phần, công dụng, liều dùng. Hàng giả thường có chữ mờ nhòe, sai chính tả, không ghi rõ xuất xứ.

🔸 Xem mã QR hoặc mã vạch: Hàng chính hãng có thể quét mã để truy xuất nguồn gốc trên điện thoại. Tuy nhiên, một số hàng giả cũng in mã nhái nên không thể chỉ dựa vào mã QR.

🔸 Giá bán quá rẻ hoặc quá cao: Nếu sản phẩm bị đội giá bất thường hoặc giá quá rẻ so với thị trường, cần cẩn trọng vì đây là dấu hiệu của hàng giả, hàng kém chất lượng.

🔸 Nên mua tại các cửa hàng uy tín: Không nên mua qua livestream không rõ người bán, hoặc các website không có địa chỉ cụ thể.

https://www.baothainguyen.vn/xa-hoi/202505/siet-chat-kiem-tra-sua-thuc-pham-chuc-nang-gia-ae0131e/
Các tin khác: