Tự hào là chiến sĩ Điện Biên

Cập nhật ngày: 26/04/2024 02:59 (Lượt xem: 960)
Cựu chiến binh Nguyễn Đức Chính, ở tổ 7, phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên), từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, nay đã ở tuổi 92, mái tóc bạc trắng như cước, nhưng tinh thần vẫn khá minh mẫn. Bên bàn trà, ông chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về chuyện đời, chuyện binh nghiệp. Mấy mươi năm đã trôi qua, nhưng mỗi lần nhắc nhớ về kỷ niệm tham gia chiến dịch, mọi chuyện lại như mới hôm nào...

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Chính (ngoài cùng bên phải) và các chiến sĩ Điện Biên năm xưa về Thủ đô Hà Nội dự gặp mặt nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Chưa đầy 18 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Đức Chính đã tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ. Ông được biên chế vào Trung đoàn 246, thuộc Quân khu Việt Bắc (nay là Quân khu 1). Sau thời gian huấn luyện làm lính thông tin, tháng 11-1953, ông lên đường tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với cương vị là Đài trưởng vô tuyến điện. Ông xúc động nhớ lại: Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự khi được làm việc cạnh Sở Chỉ huy do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp lãnh đạo. Ngày nào cũng vậy, Đại tướng dù bận rộn việc quân cấp bách nhưng vẫn dành chút thời gian đến hầm, động viên anh em chúng tôi giữ gìn sức khỏe, làm việc thật tốt và cho chúng tôi bánh mì, thuốc lá. Ở thời điểm chiến tranh khốc liệt, bánh mì là món ăn quý hiếm, nhưng Đại tướng vẫn dành cho chúng tôi. Tình cảm gần gũi, quan tâm của Đại tướng là nguồn động viên vô cùng lớn lao, giúp chúng tôi có thêm động lực, cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đảm bảo thông tin liên lạc luôn được thông suốt, kịp thời phục vụ chiến dịch.

Ngừng lời giây lát như để kìm nén sự xúc động, ông Chính chia sẻ: Đài của chúng tôi gồm 3 người. Vì là lính thông tin nên chúng tôi được làm việc cạnh Sở Chỉ huy, nơi làm viêc được bảo vệ khá an toàn, không phải trực tiếp ra đánh trận. Nhưng tôi càng thương các chiến sĩ ta phải đối diện với sinh, tử trong gang tấc, nằm gai nếm mật, “mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non...”. Kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, 3 anh em chúng tôi đều an toàn trở về đơn vị. Sau đó, năm 1956, tôi lại tiếp tục lên đường vào chiến trường Quảng Trị. Năm 1958, tôi được điều động về công tác tại Quân khu Việt Bắc cho đến lúc nghỉ hưu. Trở về địa phương với quân hàm Đại tá, tài sản của ông là những giấy khen, tấm huân chương, cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng.

- Gần trọn cuộc đời ông cống hiến cho quân đội, góp sức mình cùng các đồng đội đấu tranh, gìn giữ nền độc lập, tự do cho dân tộc; chắc hẳn việc gia đình do một tay người vợ hiền gánh vác? Tôi hỏi.

Ông cười hiền, nói: Những người lính như chúng tôi phải có hậu phương vững chắc mới yên tâm dồn tâm huyết hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và bà nhà tôi đã đảm đang, gánh trọn việc này. Thời gian tôi trong quân ngũ, một mình bà ấy đã chăm sóc, nuôi nấng các con ăn học, trưởng thành. 4 người con của tôi đã nối nghiệp cha cũng làm việc trong quân đội. Tôi rất tự hào về gia đình mình.

Ngồi kế bên nghe chồng nhắc đến mình, bà Trần Thị Kiếm cũng phấn khởi góp lời: Tôi và ông ấy gặp nhau trên một chuyến xe khách mà nên duyên. Cứ gửi thư qua lại thăm hỏi nhau mất gần 10 năm mới về chung một nhà. Vì nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc, ông ấy cứ đi biền biệt. Mỗi lần về phép, ông ấy lại “tặng” tôi một đứa con. Một mình nuôi con vất vả trăm bề, nhưng thương con, hiểu chồng, tôi đều cố gắng vượt qua. Đến ngày ông ấy về nghỉ hưu, cứ tưởng giờ chắc mình có chút an nhàn, nhưng ông ấy lại tiếp tục tham gia các công tác xã hội ở địa phương, như làm Bí thư Đảng ủy thị trấn Chùa Hang (nay là phường Chùa Hang) rồi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện, đến Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh...

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Chính và bà Trần Thị Kiếm (vợ ông) luôn sống vui vẻ, hòa thuận bên con, cháu.
Cựu chiến binh Nguyễn Đức Chính và bà Trần Thị Kiếm (vợ ông) luôn sống vui vẻ, hòa thuận bên con, cháu.

Bà Kiếm nói nghe như trách giận nhưng thực chất là thương, là tự hào! Bà thương chồng cả đời vất vả vì việc chung; tự hào vì ông đã luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó, bà lấy đó làm niềm động viên, an ủi để cố gắng vun vén, chăm lo cho gia đình để ông yên tâm công tác.

92 năm tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng, kinh qua nhiều cương vị, ông Chính luôn tự hào trước những việc mình đã làm, cống hiến cho đất nước. Giờ đây, ông cùng người vợ hiền sống an yên, vui hưởng tuổi già bên con cháu và luôn sẵn sàng kể chuyện xưa cho lớp lớp cháu con nghe để nhắc nhớ hậu sinh phải biết tri ân công ơn của lớp người đi trước, trân trọng cuộc sống hòa bình hôm nay để sống tốt, sống có ích cho gia đình và xã hội.

Ông luôn tự hào cùng các đồng đội dũng cảm chiến đấu, góp phần giành chiến thắng, bảo vệ Tổ quốc. Trong dịp này, ông là một trong 6 chiến sĩ Điện Biên năm xưa về Thủ đô Hà Nội dự lễ báo công dâng Bác và gặp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

Ông Chính xúc động: Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã vượt lên mọi khó khăn thách thức, đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp, dựng lên mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi xa, song ký ức về một trận chiến đấu dài ngày nhất trong lịch sử chiến tranh vẫn đậm sâu trong ký ức những người lính Điện Biên chúng tôi. Chiến dịch Điện Biên Phủ mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của con người Việt Nam quật cường, bất khuất, thông minh, sáng tạo, là niềm tin của các cuộc đấu tranh thoát ách áp bức bóc lột, vươn tới độc lập tự do...

https://baothainguyen.vn/chinh-tri/70-nam-chien-thang-dien-bien-phu/202404/tu-hao-la-chien-si-dien-bien-2df23d0/
Các tin khác: